Với số điểm 29,5, Phạm Thái Sơn đỗ thủ khoa ĐH Y dược Huế. Tính đến thời điểm này, em cũng là thủ khoa có điểm thi cao nhất nước. (Ảnh: Diệu Hương)
“Quan trọng là phải học thật tập trung” Kỳ thi đại học năm nay, Sơn thi vào 2 trường là ĐH Bách khoa Hà Nội nhóm ngành Điện tử viễn thông - công nghệ thông tin và Trường ĐH Y khoa Huế, ngành Bác sỹ Đa khoa.
Không chỉ đỗ thủ khoa Trường ĐH Y khoa Huế với 29,5 điểm trong đó môn Toán đạt điểm tuyệt đối 10 điểm, môn Hóa 9,75, môn Sinh 9,75 điểm, Sơn còn đỗ ĐH Bách khoa Hà Nội Sơn với 27 điểm (Toán 8,75 điểm, Hóa 8,5 điểm, Lý 9,5 điểm).
Không chỉ đỗ thủ khoa Trường ĐH Y khoa Huế với 29,5 điểm trong đó môn Toán đạt điểm tuyệt đối 10 điểm, môn Hóa 9,75, môn Sinh 9,75 điểm, Sơn còn đỗ ĐH Bách khoa Hà Nội Sơn với 27 điểm (Toán 8,75 điểm, Hóa 8,5 điểm, Lý 9,5 điểm).
Từ qua đến nay, con đường từ trung tâm xã Quảng Hòa về thôn Cao Cự, xã Quảng Hòa, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) trở nên tấp nập, từ đầu làng đâu đâu ai cũng kháo nhau tin thằng Sơn vừa chăm chỉ lại vừa học giỏi đã đỗ thủ khoa điểm cao nhất nước. Tại nhà Sơn, đông đảo bà con thôn Cao Cự và bạn bè đến chia vui.
Đến nhà gặp Sơn, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về chàng thủ khoa Trường ĐH Y dược Huế là cách nói chuyện hồn nhiên và nụ cười khá hóm hỉnh. Trò chuyện với chúng tôi khi tin em đỗ thủ khoa cao điểm nhất nước đã lan khắp các tờ báo mạng, nỗi bất ngờ vẫn hiển hiện trên khuôn mặt em. Sơn kể: “Lúc làm bài xong, đối chiếu với đáp án, em tin mình sẽ đạt từ 28 điểm trở lên, nhưng thực sự em không nghĩ là mình đạt đến vị trí thủ khoa”. Nhận được tin báo, mẹ em đã bật khóc vì sung sướng. Bố em xin nghỉ hẳn một buổi làm thuê để về nhà. Niềm hạnh phúc hiện rõ trên hai khuôn mặt đã sạm đen vì nắng gió.
Bố mẹ Sơn rất tự hào về con. (Ảnh: Đình Phong)
Đông đảo người thân và bạn bè đến chia vui cùng gia đình Sơn. (Ảnh: Đình Phong)
Thái Sơn học giỏi đều tất cả các môn nhưng có năng khiếu nổi trội nhất ở các môn tự nhiên. Bảng thành tích học tập của em từ các năm cấp hai đến nay luôn khiến người khác phải nể phục. Tại cuộc thi học sinh giỏi lớp 11 và 12 cấp tỉnh, Phạm Thái Sơn đạt giải nhì cả hai môn Toán, Hóa.
Thầy Phạm Quang Quý, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 Trường THPT số 2 Quảng Trạch nơi Sơn theo học cấp ba cho biết: Trong tổng số 47 học sinh của lớp thì đã có 24 em đạt học sinh giỏi của trường và Sơn là một trong những số đó. Năng lực học tập của Sơn rất tốt, em rất chịu khó học tập. Tuy gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng Sơn đã biết vươn lên để trở thành một tấm gương sáng.
Về phần mình, Thái Sơn chia sẻ rằng em không phải là người học tập quá chăm chỉ, học ngày học đêm nhưng em đã tìm ra cho mình một phương pháp học tập hiệu quả.
Ngoại trừ những thời điểm ôn thi học sinh giỏi căng thẳng, còn chưa bao giờ Sơn học quá 11 giờ đêm. Bí quyết học giỏi của em là nắm chắc kiến thức ngay tại lớp. Về nhà, em ôn lại bài cũ và đọc trước bài cho ngày hôm sau. Buổi tối là quãng thời gian em tập trung giải bài tập trong tài liệu ôn thi. Phương pháp mà Sơn thường sử dụng là làm bài với người bạn thân cùng lớp. Sơn và người bạn cùng tìm các dạng bài tập hay trong sách tham khảo, tự giới hạn thời gian làm bài, rồi dùng điện thoại đối chiếu kết quả. Với những bài không trùng kết quả, sáng mai lên lớp, hai em cùng ngồi lại và tìm ra những cách làm hay. Phạm Thái Sơn (phải) và bạn thân cùng lớp. (Ảnh: Diệu Hương)
Ngoài giờ học chính khóa, Sơn thường tổ chức học nhóm với nhóm bạn cùng lớp. Nhóm học tập của Sơn gồm có năm người, đều đăng ký dự thi vào trường Đại học Y dược Huế. Với những bài toán khó, cả nhóm thường đưa ra thảo luận chung. Mỗi người phải tự đưa ra một cách giải thuyết phục và hiệu quả nhất. Thời gian trước lúc thi đại học, việc tổ chức học nhóm được tăng cường hơn. Khi Trường ĐH Y dược Huế công bố điểm thi, niềm vui càng nhân lên khi cả năm thành viên trong nhóm học tập của Sơn đều đạt từ 23 điểm trở lên. Việc tổ chức học nhóm đã thực sự phát huy được những hiệu quả tích cực.Nhìn lại sự nỗ lực của bản thân trong suốt thời gian qua, Sơn thẳng thắn chia sẻ: “Muốn học tốt không có nghĩa là suốt ngày ngồi vào bàn học mà quan trọng là phải học thật tập trung và tìm ra được một phương pháp tiếp thu kiến thức phù hợp và hiệu quả nhất”.
Thủ khoa Phạm Thái Sơn bên góc học tập. (Ảnh: Đình Phong)
Quê nghèo nuôi dưỡng ước mơVùng quê Quảng Hòa (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) của Phạm Thái Sơn là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ lịch sử tháng 10/2010 vừa qua. Cùng với hàng nghìn hộ dân khác, nước lũ đã cuốn trôi đi của gia đình em tất cả tài sản, làm sập hoàn toàn hệ thống hàng rào bao quanh nhà. Gần một năm kể từ ngày cơn lũ tràn qua, gia đình Sơn vẫn chưa đủ điều kiện để xây dựng lại hàng rào và tu sửa lại nhà cửa. Khó khăn càng đè nặng lên cuộc sống gia đình em kể từ ngày đó.
Sinh năm 1993, Sơn là con cả trong gia đình nghèo có 3 anh em, thu nhập chủ yếu dựa vào khoản tiền ít ỏi từ nghề làm thuê của bố. Hiểu những khó nhọc của gia đình mình, hàng ngày ngoài việc học tập, Sơn phụ giúp gia đình làm các việc trong nhà. Những lúc rảnh rỗi, Sơn lại theo bố đi gặt lúa thuê và làm đồng cho các gia đình trong xã để có tiền ăn học.
Bố Sơn, ông Phạm Bình Bảo cho biết: "Sơn là đứa chăm ngoan, gia đình chúng tôi có 5 sào ruộng, là anh cả trong gia đình nên Sơn phải phụ giúp hết mọi việc. Từ việc đồng áng đến các việc vặt trong gia đình như: nấu cơm, giặt giũ và nó là một tấm gương sáng cho các em trong gia đình học tập". Phạm Thái Sơn cho hay thần tượng trong cuộc sống và trong học tập của em là Lê Vũ Hoàng - người đồng hương quê Quảng Bình đã vô địch trong cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” lần thứ 6. “Anh Lê Vũ Hoàng có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng đã biết để vươn lên học giỏi. Em chỉ mong mình cũng có được sự nỗ lực của anh ấy để những khó khăn trước mắt”, Sơn tâm sự. |
Còn mẹ Sơn là một người phụ nữ chịu thương, chịu khó.Vì thương chồng con vất vả, bà đã từng vượt biên sang Trung Quốc làm thuê, chấp nhận cuộc sống chui lủi để kiếm thêm thu nhập. Vì hoàn cảnh, bà phải trở về nhà với hai bàn tay trắng.
Thương bố mẹ tần tảo, Sơn luôn nỗ lực để vươn lên học tốt. Việc theo học suốt 6 năm tại ĐH Y dược Huế sắp tới thực sự là một gánh nặng to lớn đè nặng lên cuộc sống vốn đã lắm những khó nhọc của gia đình em. Nhưng với Sơn, được trở thành bác sĩ là niềm mơ ước lớn lao mà bấy lâu nay em vẫn từng ấp ủ. Ngày ngày, nhìn bố mẹ và những người dân nghèo quê em vừa phải đối diện với cuộc sống mưu sinh khốn khó vừa chống chọi với bệnh tật, niềm mơ ước trở thành bác sỹ đã lớn dần lên trong em. Với việc thi đậu vào ngành Bác sỹ đa khoa, Đại học Y dược Huế, Sơn đã đặt những bước chân đầu tiên lên con đường thực hiện ước mơ của mình.
Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, Sơn phụ giúp gia đình làm nông. (Ảnh: Đình Phong)
“Người nghèo nhất thế giới không phải là người không có tiền mà là người không biết ước mơ”, đó là câu châm ngôn mà Sơn thích nhất. Rồi ngày mai, niềm vui đỗ đạt sẽ lùi lại phía sau, nhường chỗ cho những khó khăn đang chất chồng phía trước. Nhưng tin rằng, với niềm tin, ý chí và sự nỗ lực, Phạm Thái Sơn sẽ vượt qua những thiếu thốn vật chất để vươn lên thực hiện ước mơ của mình.
No comments:
Post a Comment