Thursday, July 28, 2011

Vụ Breivik thách thức hệ thống tư pháp Na Uy

Anders Behring Breivik đang đặt hệ thống tư pháp Na Uy, vốn nổi tiếng tiến bộ với chính sách cải tạo đầy tính nhân văn, phải đứng trước thách thức tìm ra bản án nào thích hợp cho kẻ gây tội ác chưa từng có tiền lệ này.

Vẻ mặt bình thản của Anders Behring Breivik trên đường ra toà hôm thứ hai. Ảnh: Telegraph.
Xã hội Na Uy nổi tiếng cởi mở và động cơ ban đầu của Breivik là nhằm phá hoại hệ thống xã hội này. Ngay sau vụ tấn công, Thủ tướng Jens Stoltenberg kêu gọi đáp trả hành động bạo lực bằng một nền dân chủ mở rộng hơn. Đông đảo người dân hưởng ứng và đổ ra đường mang theo đoá hoa hồng đi tuần hành, nhằm thể hiện tình đoàn kết và thách thức những kẻ có âm mưu chia rẽ xã hội Na Uy.
Câu trả lời ở tầm vĩ mô ở Na Uy đối với vụ khủng bố đã rõ. Nhưng đối với những người phải trực tiếp canh gác sát thủ Breivik như Knut Bjarkeid, giám thị nhà tù Ila, nơi tạm giam Breivik những tuần đầu tiên thì đây thực sự là một thách thức. "Nhiệm vụ này sẽ là một thách thức về chuyên môn. Chúng tôi phải canh chừng anh ta theo cách nhân bản", Bjarkeid nói với tờ báo khổ nhỏ lớn nhất Na Uy VG.
Việc cải tạo những người đã bị tuyên án luôn là trung tâm trong hệ thống tư pháp Na Uy vốn được coi là một trong những hệ thống tiến bộ nhất châu Âu. Nhưng hệ thống này đang đứng trước một phép thử thực sự khó khăn khi phải tính đến khả năng cải tạo sát thủ máu lạnh Anders Behring Breivik, kẻ đã thú tội gây ra vụ khủng bố kép hôm 22/7.
Trong những tuần đầu tiên, Breivik sẽ ở trong phòng giam hoàn toàn biệt lập có một chiếc giường, một toilet, một bàn và một chiếc ghế. Trang bị trong phòng tương đối thoải mái cho người bị giam, nhưng sát thủ sẽ không được phép tiếp cận với thư từ, báo chí hay truyền hình. Sau thời hạn tạm giam, cảnh sát có thể gặp toà án để đề nghị giam giữ thêm nghi phạm nếu cuộc điều tra vẫn chưa kết thúc.
Breivik nhanh chóng thú nhận toàn bộ tội ác và khẳng định hành động một mình trong vụ 22/7. Nhưng hiện anh ta vẫn chưa chính thức bị truy tố nên vẫn được gọi là nghi phạm. Việc Breivik ra toà hôm thứ hai vừa qua chỉ để quyết định thời hạn tạm giam chờ điều tra. Trong thời gian ngồi tù, anh ta được hai nhà tâm lý pháp y đánh giá tình trạng tinh thần.
Việc đánh giá tình trạng tinh thần của Breivik có thể kéo dài 3 tháng. Nếu anh ta được kết luận là tinh thần không ổn định hoặc bị điên, Breivik có thể không bị ra toà mà được chuyển sang chăm sóc bệnh tâm thần. Đó chỉ là giả thuyết, còn khi cuộc điều tra của cảnh sát kết thúc và Breivik được đem ra xét xử về các tội ác thì đây sẽ là một thách thức đối với hệ thống tư pháp Na Uy.
Hệ thống hình sự Na Uy sẽ phải đối mặt với một vụ án mà mức độ phạm tội của nghi phạm chưa từng có tiền lệ. Breivik đã thừa nhận thực hiện vụ đánh bom Oslo và thảm sát bằng súng trên đảo Utoeya làm chết 76 người và bị cáo buộc tội khủng bố, tội danh có khung hình phạt tối đa ở Na Uy là 30 năm tù.
Nếu cáo buộc trên được toà ra phán quyết là xác đáng, sát thủ 32 tuổi sẽ mãn hạn tù vào năm 62 tuổi. Trong suốt thời gian bị giam giữ, dù sát thủ gây ra tội ác thế nào thì vẫn có cơ hội được tiếp cận với các biện pháp cải tạo. "Cải tạo là trung tâm trong hệ thống tư pháp hình sự Na Uy", giáo sư tội phạm học Hedda Giertsen thuộc Đại học Oslo nhấn mạnh.
"Ý tưởng của cải tạo là để giúp phạm nhân có thể rời nhà tù và tiếp tục cuộc sống không gây tội ác. Các phạm nhân mãn hạn cũng được hỗ trợ tìm nhà ở, tài chính cá nhân và giáo dục. Khoảng một nửa số tù nhân ở Na Uy được tham gia các khoá học khác nhau", giáo sư Giertsen nói thêm.
Theo thống kê, chính sách cải tạo đầy nhân văn của Na Uy đã phát huy kết quả. Tỷ lệ tù nhân mãn hạn tái phạm tội tại Na Uy thấp hơn so với các nước châu Âu khác và hiện là ở mức 20%, thấp hơn so so với khoảng 50% ở Anh.
Nhưng đứng trước hành vi tội ác đẫm máu nhất trong thời bình mà Na Uy vừa phải hứng chịu do Breivik gây ra, nhiều người dân nước này khó có thể thể thấy thoải mái khi biết rằng sát thủ máu lạnh này cũng sẽ được hưởng những chính sách cải tạo nhân bản như các tù nhân bình thường khác.
Tại Na Uy đang xuất hiện những lời kêu gọi chỉnh sửa hệ thống tư pháp để dễ dàng hơn trong việc tuyên án một ai đó tù chung thân, nếu họ gây ra những tội ác đặc biệt kinh khủng. Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg hôm qua cho biết, ông sẽ không can thiệp vào cuộc thảo luận về vấn đề này vì cần phải duy trì sự độc lập giữa chính phủ và toà án.
"Chúng ta có các mức án dài 21 năm và có các biện pháp giam giữ bổ sung sau đó để ngăn ngừa tội ác có thể khiến thủ phạm bị giam lâu hơn so với bản án. Tôi nghĩ giờ chúng ta phải đợi cuộc điều tra và các quyết định của toà án, trước khi có thể bình luận về các mức án", BBC dẫn lời Thủ tướng Stoltenberg nói thêm.
Án tù tối đa đối với những người phạm tội hình sự tại Na Uy là 21 năm, riêng người phạm tội khủng bố là 30 năm. Sau thời gian trên, toà án sẽ xem xét thời gian giam giữ bổ sung kéo dài 5 năm, nếu phạm nhân tiếp tục bị coi là mối nguy hiểm cho xã hội. Án tù bổ sung này sẽ được nối tiếp không giới hạn, nên về mặt lý thuyết một thủ phạm vẫn có thể bị tù chung thân qua hình thức này.
Tuy nhiên, trên thực tế tại Na Uy chưa từng có ai bị tù chung thân qua hình thức nói trên. Một nam y tá Na Uy phạm tội giết tới 22 bệnh nhân cao tuổi đã được thả năm 2004 sau khi mới thụ án 12 năm trong bản án 21 năm tù vì được ân giảm. Sau khi ra tù, người này hoà nhập cuộc sống bằng một tên mới và địa chỉ bí mật và báo chí Na Uy cũng không tìm kiếm tung tích thủ phạm khét tiếng một thời này.
Trong trường hợp sát thủ Anders Behring Breivik, kẻ đã thú nhận đã thực hiện hai vụ tấn công liên tiếp làm 76 người chết, các công tố viên Na Uy sẽ lựa chọn giữa hai bản án cho anh ta là 21 năm và 30 năm. Tội ác của Breivik gây chấn động đến mọi ngõ ngách của đất nước Na Uy nổi tiếng yên bình, nhưng việc thay đổi hệ thống tư pháp chỉ vì một vụ án là điều không hề đơn giản.

No comments:

Post a Comment